Các loại ống nhòm roof rẻ tiền sẽ không có lớp phủ hiệu chỉnh pha nên chất lượng hình ảnh cũng sẽ kém hơn.
Trở lại hệ lăng kính Porro, mặc dù không mắc phải các khuyết điểm như hệ roof, nhưng chất lượng ảnh của hệ Porro lại bị ảnh hưởng bởi chủng loại thủy tinh sử dụng làm lăng kính. Các ống nhòm chất lượng cao sử dụng lăng kính được sản xuất từ thủy tinh BaK-4 (Barium Crown), trong khi các lăng kính rẻ tiền hơn được sản xuất từ thủy tinh BK-7 (Borosilicate). Thủy tinh BaK-4 cho phép tạo ra hình ảnh sáng và sắc nét hơn vì hiện tượng phản xạ toàn phần xảy ra trong lăng kính BaK-4 là hoàn toàn, mọi tia sáng đi vào đều được phản xạ trở ra một cách nguyên vẹn. Trong khi đó thủy tinh BK-7 có chiết suất thấp hơn nên không phải tất cả các tia sáng đi vào lăng kính BK-7 đều đạt được góc tới giới hạn để xảy ra hiện tượng phản xạ toàn phần, kết quả là hình ảnh cho bời ống nhòm có lăng kính làm từ thủy tinh BK-7 sẽ tối hơn so với một ống nhòm có cùng thông số có nhưng lăng kính được chế tạo từ thủy tinh BaK-4.
Hầu hết các nhà sản xuất đều ghi chú ống nhòm của họ sử dụng lăng kính BaK-4 (nếu có) trên thân ống.
Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất không ghi hoặc bạn muốn tự mình kiểm tra tính chính xác của thông tin thì ta vẫn có cách kiểm tra như sau: giữ ống nhòm ở khoảng cách bằng độ dài cánh tay, hướng ống nhòm về một vùng sáng bất kì và nhìn vào thị kính bạn sẽ thấy một đĩa tròn sáng như trôi lơ lửng phía trong thị kính – đây chính là hình ảnh trực quan của vòng tròn thị kính (exit pupil) - Nếu lăng kính là BaK-4, vòng tròn thị kính sẽ là một đĩa tròn hoàn hảo; còn ngược lại- nếu lăng kính là BK-7, vòng tròn thị kính sẽ có dạng kim cương (diamond-shaped) với viền xám (gây ra bởi phần ánh sáng không được phản xạ hoàn toàn).
Một yếu tố khác cần được đề cập đến nữa là
lớp tráng phủ (coating). Lớp tráng quang học (màng mỏng quang học) giúp cải thiện lượng ánh sáng truyền qua và giảm sự phản xạ bề mặt của thấu kính. Một thấu kính không được tráng phủ sẽ phản xạ khoảng 4% lượng ánh sáng tới. Bằng cách tráng thêm một lớp mỏng Magie Fluoride lên cả hai mặt của thấu kính, sự phản xạ có thể giảm xuống chỉ còn 1.5%. Thấu kính được phủ Magie Fluoride sẽ ngã nhẹ sang màu đỏ tía khi để nghiêng thấu kính một góc dưới ánh sáng. Nếu lớp phủ quá mỏng, màu này sẽ chuyển nhẹ sang sắc hồng. Ngược lại, nếu lớp phủ quá dày thì màu xanh lá cây nhạt sẽ xuất hiện. Còn thấu kính không được phủ tất nhiên sẽ chẳng có màu gì để bàn đến ^^!
Chú ý: đôi khi ta cũng bắt gặp có nhà sản xuất đề trên thân ống là Ruby Coating. Vậy lớp phủ ruby này có tốt không? Lợi ích của loại lớp phủ này thực sự vẫn chưa được nhiều tài liệu đề cập đến, nhưng các nhà sản xuất loại ống nhòm sử dụng lớp phủ này nói rằng chúng là loại tốt nhất để chống chói khi quan sát các vật có cường độ sáng khá lớn, chẳng hạn như tuyết hay cát trắng dưới ánh nắng. Điều này có thực sự đúng hay không thì chúng ta vẫn chưa biết, nhưng chắc chắn một điều loại lớp phủ này chỉ mang lại bất lợi khi quan sát thiên văn do chúng làm giảm cường độ sáng của đối tượng quan sát.
Ngày nay, hầu như tất cả các loại ống nhòm đều có thấu kính được tráng phủ Magie Fluoride, nhưng đều này vẫn chưa nói lên được gì nhiều về chất lượng. Với một số loại ống nhòm rẻ tiền, cụm từ
coated optics thường có nghĩa là chỉ có mặt ngoài của vật kính và thị kính là được tráng, còm mặt trong và những thành phần thấu kính bên trong thì vẫn giữ nguyên. Muốn có được chất lượng ảnh tốt nhất, bắt buột tất cả cả các thấu kính đều phải được tráng phủ ở cả hai mặt, vì vậy
fully coated optics thường được ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, vẫn chưa hết. Nếu như tráng phủ 1 lớp mang lại hiệu quả tốt thì việc tráng phủ nhiều lớp trên thấu kính thậm chí còn cho kết quả tốt hơn. Do đó ta có thuật ngữ
multicoated lens. Các thấu kính được tráng phủ nhiều lớp giảm hiện tượng phản xạ xuống chỉ còn dưới 0.5% (so với 1.5% khi tráng phủ 1 lớp) và phản xạ màu xanh lá khi để nghiêng dưới ánh sáng. Kết hợp những gì tốt nhất- ống nhòm với các thấu kính được phủ nhiều lớp mỏng magie fluoride là một công cụ vô cùng lý tưởng để quan sát thiên văn.
Vấn đề tiếp theo nữa là
khoảng đặt mắt (eye relief). Một ống nhòm tốt phải có khoảng đặt mắt tốt. Khoảng đặt mắt là khoảng cách cần thiết giữa mắt và thị kính để mắt có thể thấy được toàn bộ trường nhìn của ống nhòm mà không cần phải đảo mắt. Nếu khoảng đặt mắt quá ngắn, người quan sát sẽ cảm thấy không thoải mái vì mắt phải đặt thật sát ống nhòm mới mong có được trọn trường nhìn, và nếu là người phải đeo kính, bạn sẽ thấy vấn đề này nghiêm trọng đến thế nào! Ngược lại, nếu khoảng đặt mắt quá lớn, việc giữ cho ống nhòm không bị rung để hình ảnh trong thị kính khỏi bị lệch ra ngoài tầm nhìn lại trở thành vấn đề. Khoảng đặt mắt tốt nhất nên nằm trong khoảng 14-20mm, ở độ phóng đại càng lớn thì khoảng cách này càng có xu hướng thu ngắn lại.
Vậy còn
việc lấy nét (focusing) của ống nhòm thì sao nhỉ? Hầu hết các loại ống nhòm đều được trang bị núm xoay lấy nét nằm giữa hai ống, gọi là lấy nét trung tâm
(center-focusing).Một số khác lại dùng hệ thống lấy nét riêng lẻ
(individual-focusing), mỗi bên của ống nhòm được lấy nét độc lập với nhau.Tuy nhiên, cho dù có thiết kế kiểu nào- lấy nét độc lập hay trung tâm- thì bộ phân lấy nét đều phải hoạt động thật êm. Cũng nên tránh các loại ống nhòm rẻ tiền có bộ “lấy nét nhanh-
fast focus”sử dụng cần gạt thay cho núm xoay, loại này có thể có ích khi quan sát các đối tượng chuyển động, nhưng để dùng trong ngắm sao thì mức độ lấy nét chi tiết của loại này là không đủ. Thậm chí đáng ngại hơn nữa là có những kiểu ống nhòm chẳng có lấy một cơ cấu nào để lấy nét (núm hay cần gì đều không có) và được gọi là
fixed-focus. Thực tế, chúng được nhà sản xuất lấy nét sẵn ở khoảng cách 100m từ người quan sát, tuy nhiên các ngôi sao còn ở xa hơn thế nhiều lần!
Thực tế, các nhà sản xuất đều nhận ra rằng hầu hết mỗi người đều có một mắt tốt và một mắt kém hơn. Vì vậy trong thiết kế ống nhòm lấy nét trung tâm, các hãng sản xuất cho phép một bên thị kính của ống nhòm có thể điều chỉnh để lấy nét khác đi một ít so với ống kia, gọi là cơ cấu bù trừ độ
(diopter adjustment). Cơ cấu này thường được đặt ở thị kính bên phải và hoạt động bằng cách xoay thị kính. Cách sử dụng như sau: trước tiên, nhắm mắt phải lại và xoay núm lấy nét trung tâm để lấy nét cho mắt trái. Sau đó lại nhắm mắt trái và xoay thị kính bên phải để lấy nét cho mắt phải. Như vậy là cả hai mắt của bạn đều đã được lấy nét.
Ống nhòm trên 10x và độ mở từ 60mm được xếp vào loại ống nhòm cỡ lớn
(giant binoculars). Những loại này đặc biệt hữu dụng cho việc “săn” sao chổi và qua sát chi tiết mặt trăng hay các hoạt động quan sát cần độ phóng đại lớn hơn mức bình thường. Nếu có ý định mua loại ống nhòm cỡ lớn như trên thì tốt nhất hãy mua kèm theo tripod.
Khi lựa chọn ống nhòm, hãy đảm bảo bạn sẽ sử dụng chúng 1 cách thoải mái nhất. Và đừng quên kiểm tra xem khoảng cách giữa hai ống có phù hợp với khoảng cách hai mắt của bạn không bằng cách đưa lên ngắm thử, khoảng cách giữa hai ống nhòm phải điều chỉnh được trong khoảng 58mm (2.3 inches) đến 71mm (2.8 inches)!