Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây đã 15 năm về trước. Khi nghĩ về thời điểm đó tôi vẫn nhận thấy cảm giác lâng lâng khó tả vẫn còn lẩn khuất đâu đây, chính cái cảm giác đó đã khơi nguồn đam mê, yêu thích thiên văn học. Nó lôi cuốn, dẫn dắt tôi khám phá những điều kì diệu của vũ trụ bao la, các vì sao?mà ở đó tồn tại sự li kì, hấp dẫn tạo nên những cảm xúc thật đặc biệt trong tôi.
Khi đó, tôi mới khoảng 5 tuổi, mới bắt đầu đi học mẫu giáo. Vì nhà tôi ở miền núi, nằm tại một thung lũng rất đẹp và nên thơ thuộc một huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, là người dân tộc Thái, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Quanh năm bố mẹ phải lên nương phát rẫy trồng sắn, ngô để nuôi anh em tôi ăn học. Ruộng cũng có nhưng rất ít, chỉ sản xuất được hai vụ, một vụ thì chỉ đủ nước sản xuất có nửa diện tích. Cho nên lúa làm ra chỉ đủ ăn trong nửa năm, còn vào mùa giáp hạt phải ăn cơm độn với sắn gạc nai, với ngô. Tuy khó khăn như vậy nhưng gia đình tôi vẫn sông hạnh phúc, vui vẻ. Do điều kiện sông như vậy nên đời sống văn hóa cũng như sự hiểu biết của phần lớn nhân dân còn hạn chế. Những rất may cho tôi là được sống trong môi trường gia đình tốt. Bố mẹ luôn muốn truyền đạt sự hiểu biết cho con và mong muốn sau này sẽ hiểu biết nhiều hơn. Bố tôi là người rất thích tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học, mặc dù phải làm lụng cả ngày nhưng ông vẫn dành thời gian chỉ bảo, khơi gợi trong tôi những bài học đầu tiên về thế giới tự nhiên. Khiến tôi luôn tò mò và tự mình đặt ra những câu hỏi, rất muốn biết vì sao lại như thế? Và câu hỏi ?vì sao?? luôn tồn tại trong tôi.
Ngày đó tôi và thằng em trai có một cái hộp đựng đồ chơi bằng thùng giấy cacton ; mỗi khi lấy đồ chơi và hết giờ lại vứt chúng vào đấy. Cái thùng đó có hình quả địa cầu được vẽ thang lưới kinh vĩ tuyến và có hình các lục địa. Tôi vẫn nhớ hình vẽ đó được tô màu xanh dương, các lục địa không được gióng cho lắm vì đó chỉ là mô hình quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa. Nếu không nhầm thì đó là thùng đựng mì chính hay mì tôm gì đó. Tôi cũng không chú ý cái hình vẽ đó lắm vì không rõ nó là gì và nó cũng chẳng quan trọng với tôi.
Nhưng có một hôm, sau khi đi làm về bố sang chỗ cái hộp lấy một thứ gì đó, rồi nhìn vào cái hình trên thùng đồ chơi của tôi sau đó quay sang hỏi tôi: ?Con có biết đây là hình vẽ gì không?? Tôi bất ngờ vì câu hỏi đó. Tôi nghĩ đó chỉ là một hình vẽ bình thường và không biết nên trả lời: ?Con không biết, thế đây là gì hả bố??. Bố nhìn vào hình vẽ đó và nói: ?Đây là mô hình quả Địa cầu, tức Trái Đất chúng ta đang sống đấy, còn những hình vẽ méo mó này là các lục địa, trên đó có các quốc gia và con người sinh sống; Việt Nam mình cũng nằm trên đây.? Sau đó ông chỉ cho tôi vị trí của lãnh thổ Việt Nam: ?Đây là nước Việt Nam ta ? Việt Nam nằm ở đây, con thấy chưa, nước mình chỉ nhỏ thế này thôi, nó có hình chữ S?. Vừa nói bố vừa lấy bút bi mạc lại hình chữ S kia và vẽ hình bản đồ Việt Nam lên vị trí đấy. Tôi chú ý quan sát và ồ lên, hình như có một cảm xúc mới vừa đi qua trong tôi: ?Ah ! Hóa ra Việt Nam mình ở chỗ này và chỉ nhỏ như vậy thôi sao!??. Tôi liền vội liên tưởng; như thế thì Trái Đất to đến mức nào nhỉ? Và con người sẽ nhỏ bé cỡ nào!?... Bao nhiêu ý nghĩ, câu hỏi chợt ùa về trong tôi. Cảm nhận lúc bấy giờ thật khó tả; những cảm nhận hết sức thú vị mà tôi từng trải bao giờ. Tôi đã biết hình dạng của lãnh thổ Việt Nam trước đó khi xem tivi và sách báo nhưng bây giờ tôi mới biết nó sẽ được đặt tại vị trí đó trên quả địa cầu và còn nhiều quốc gia khác nữa.
Từ đó tôi thường xuyên nhìn vào hình vẽ mà bố tôi đã chỉ cho vị trí của đất nước Việt Nam và luôn tự nói với mình rằng: ?Việt Nam nằm ở vị trí đó và nó có hình chữ S?. Tôi có cảm giác như vừa khám phá ra một điều hết sức lý thú, kì diệu, khó có thể tưởng tượng nơi tôi và mọi người đang sống lại có thể nằm trên một cái thùng cactong !? Tôi bắt đầu tò mò và muốn biết thêm nhiều hơn nữa. Khi thấy điều gì khó hiểu tôi muốn tìm hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề, tại sao lại như vậy? Mỗi khi có câu hỏi tôi thường hỏi bố những điều đang thắc mắc trong suy nghĩ trẻ thơ của mình. Và tất nhiên là bố tôi sẽ giải thích theo cách hiểu, truyền đạt của ông cho những đứa trẻ như tôi.
Khi tôi hỏi tại sao lại có ngày, đêm, bố đã dùng những đồ vật có sẵn trong nhà lúc đó và giảng cho tôi như thế này; chỉ vào bóng đèn điện (bóng tròn) bố tôi nói: ?Con hãy coi bóng đèn này giống như Mặt Trời?, sau đó cầm lấy quả bóng nhựa mà anh em tôi vẫn hay đá với nhau giơ lên chỉ cho tôi: ?Trái Đất có hình cầu tương tự quả bóng này, và con hãy quan sát xem nó sẽ như thế nào nhé!? bố tôi đưa quả bóng đi xung quanh bóng đèn và giảng giải: ?Khi quay quanh Mặt Trời như thế này, chỉ một nửa Trái Đất nhận được ánh sáng chiếu từ Mặt Trời như quả bóng này, chỉ nhận được một phần ánh sáng của bóng đèn. Khi đó phần được chiếu sáng là ban ngày, còn phần không được chiếu sáng là ban đêm như bây giờ đây. Đồng thời khi quay quanh Mặt Trời, Trái Đất cũng quay quanh trục của mình và một vòng quay hết một ngày nên sẽ có ngày và đêm như ta thấy?. Tôi ngồi nhìn bố thực hiện ví dụ và rất chăn chú lắng nghe, cảm thấy thích thú vô cùng, tôi bắt đầu hiểu lờ mờ về ngày, đêm, Mặt Trăng, Trái Đất.Thật kì diệu. Con đường dẫn dắt tôi tới niềm đam mê thiên văn bắt đầu từ những câu chuyện đơn giản như vậy, đó là những bài học đầu tiên mà bố tôi là người truyền đạt.
Đến khi bắt đầu đi học cấp I, tôi rất thích tập vẽ bản đồ Việt Nam, muốn vẽ cho thật giống. Lúc đầu chưa làm được nhưng sau một thời gian, quá trình vẽ nhiều, học hỏi các anh chị đi trước, tôi đã có thể vẽ khá tốt. Đến lớp 5 tôi có thể vẽ bản đồ cho các giáo viên làm đồ dùng dạy học, và lên cấp II tôi đã có thể vẽ bản đồ thế giới mà không cần nhìn sách. Tôi là học sinh có thể nhận biết vị trí của các lãnh thổ, quốc gia trên thế giới một cách nhanh nhất.
Tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm như vậy. Sau này tôi đã đọc sách, báo và biết nhiều hơn về các vì sao, các thiên hà?tôi thật sự bị lôi cuốn bởi sự kì diệu của tạo hóa, nó gây ra những cảm xúc vô cùng lạ lùng trong tôi. Tôi bắt đầu quan sát, suy nghĩ và ước rằng sẽ tìm thấy một cái gì đấy mới mẻ trong vũ trụ bao la kia, tôi ước mình có thể đi xuyên không ? thời gian để tìm hiểu mọi bí ẩn của thế giới.
Cho đến bây giờ, thiên văn học đã là một phần trong cuộc sống của tôi. Nó bắt nguồn từ những tình huống, được khơi nguồn từ tuổi thơ, từ những câu chuyện, bài học đơn giản mà bố là người truyền đạt đầu tiên?
Lò Nhất Linh
Bài đoạt giải nhất cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta tháng 4/2010"