Xem bài viết riêng lẻ
  #9  
Cũ 29-08-2012, 09:52 AM
longdatautovol longdatautovol đang online
Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 93
Mặc định

11- Thiên văn học tại Việt Nam

Sự phát triển ngành khoa học thiên văn là một công trình lâu dài. Hiện nay các nhà thiên văn coi vũ trụ như một phòng thí nghiệm, trong đó có nhiều hiện tượng lý hóa, đôi khi rất độc đáo, tiến hành một cách tự nhiên. Kính thiên văn là thiết bị thu tín hiệu được chế tạo bằng những kỹ thuật hiện đại đòi hỏi nhiều kinh phí. Do đó ngành thiên văn hầu như chỉ được phát triển ở những nước có nhiều khả năng về mặt kinh tế. Tuy nhiên, nước ta cần có những biện pháp phổ biến thiên văn học, để trong tương lai chúng ta có một đội ngũ cán bộ tham gia với cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới trong cuộc chinh phục Vũ trụ. Phổ biến thiên văn học cũng là một biện pháp bài trừ mê tín, và nâng cao trình độ của nhân dân. Thiên văn học là một ngành liên quan đến nhiều lãnh vực như vật lý, hóa học, sinh học, toán học và kỹ thuật.

Công việc đầu tiên là đào tạo cán bộ chuyên ngành. Sinh viên Việt Nam đã sang Đài thiên văn Paris học và thực tập về ngành thiên văn. Phần lớn các sinh viên và thực tập sinh đã đạt được kết quả tốt. Chúng ta cần tạo điều kiện để thu hút các nhà khoa học trẻ sau khi họ về nước. Muốn thực hiện được mục tiêu này, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, còn cần phải đào tạo thêm cán bộ để có đủ một số lượng tới hạn các nhà khoa học cùng ngành. Họ sẽ cộng tác chặt chẽ với nhau nhằm phát triển những ngành khoa học mới mẻ.


Hình 9: Kính vô tuyến giao thoa với 2 angten (ở cận cảnh và viễn cảnh) làm tại Trung tân Vô tuyến Nançay (thuộc Đài Thiên văn Paris) dùng để quan sát nhật thực toàn phần tại Phan Thiết, ngày 24 tháng 10 năm 1995. Sau nhật thực, kính được đặt tại Đại học Sư phạm Hà nội để sinh viên thực tập.



Từ năm 1976, tôi thường xuyên về nước để phổ biến ngành thiên văn vật lý. Nhật thực toàn phần tại Việt Nam ngày 24 tháng 10 năm 1995 đã là dịp để nhân dân tiếp cận với một hiện tượng thiên văn. Chúng tôi đã làm riêng trong dịp này một kính thiên văn vô tuyến giao thoa gồm hai ăngten để mang về nước cùng một số kính quang học. Hình 9 và Hình 10. Sau khi hướng dẫn nhân dân quan sát nhật thực tại Phan Thiết, chúng tôi đã tặng Đại học Quốc gia Hà Nội các thiết bị này để sinh viên thực tập.


Hình 10: Nhật thực quang học: Mép gồ ghề của Mặt Trăng để ánh sáng của Mặt trời lọt qua, trông như những mặt kim cương lóng lánh (chụp bởi Koutchmy tại Phan Thiết nhân nhật thực ngày 24/10/1995



Đài Thiên văn Paris, Đại học Pierre và Marie Curie đã ký kết cùng Đại học Quốc gia Hà Nội một hợp đồng để giới thiệu và giảng dạy cho các cán bộ khoa học trong nước, môn thiên văn vật lý và những kỹ thuật xử lý hình và điện tử. Trong những khóa học gần đây, chúng tôi đã đưa thêm vào chưng trình môn vật lý khí quyển và môi trường (xem bài của Mégie và của Leppelmeier trong cuốn sách này).

Nước ta ở vùng nhiệt đới có khí hậu nóng và ẩm, nên không thuận lợi cho ngành thiên văn quang học. Bởi vì ánh sáng của các thiên thể khó truyền qua khí quyển mờ đục. Bức xạ vô tuyến trên những bước sóng centimet và dài hơn, có khả năng truyền qua những đám mây ẩm ướt mà không bị hấp thụ. Các nhà thiên văn Ấn Độ hiểu rõ tình huống này, nên đã xây một hệ kính vô tuyến giao thoa lớn để thám hiểm Vũ trụ. Sự quan sát bầu trời trên những bước sóng vô tuyến cũng có thể thích hợp với Việt Nam.

Hội Thiên văn Quốc tế cũng quan tâm đến sự phát triển thiên văn học tại nước ta và tổ chức những hội thảo và lớp học về ngành này. Tháng 8 năm 2000, Hội Thiên văn Quốc tế đã tổ chức tại thành phố Manchester (nước Anh) một hội thảo trong đó có những khóa họp đề nghị những biện pháp để phát triển ngành thiên văn tại những nước chưa có đủ phương tiện kỹ thuật. Tôi đã trình bày trong hội thảo phương pháp xây một loại kính vô tuyến đơn giản và không đòi hỏi nhiều kinh phí [21]. Một kính loại này đã được xây và sử dụng tại Việt Nam để quan sát nhật thực toàn phần năm 1995 (Hình 9; Hình 11)



Hình 11: Kết quả quan sát Mặt trời bằng kính vô tuyến giao thoa, ngày nhật thực toàn phần, 24 tháng 10 năm 1995, tại chân núi Tà Dôn, Phan Thiết. Kính lắp tại trạm vô tuyến Nançay, thuộc Đài Thiên văn Paris và hoạt động trên tần số 600 MHz. Trục tung chỉ cường độ bức xạ vô tuyến và trục hoành chỉ giờ. Trong thời gian Mặt Trời bị che hoàn toàn bởi Mặt trăng, từ 11 giờ 14 phút đến 11 giờ 6 phút, cường độ của bức xạ vô tuyến của Mặt trời giảm đi rất nhiều




Chương trình quốc tế HOU (Hands-On Universe), có nghĩa là "Vũ trụ thực hành", tạo điều kiện cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học ở bất cứ nước nào để sử dụng, qua Internet, một mạng kính thiên văn đặt ở các nước trên thế giới. Mạng kính này hoạt động hoàn toàn tự động để phục vụ riêng cho mục tiêu giáo dục và phổ biến ngành thiên văn trên hoàn cầu. Cụ thể là ta có thể vào Internet để tự điều khiển mạng kinh thiên văn này, cách xa hàng nghìn kilomet, hoặc sử dụng số liệu và ảnh của các thiên thể đã thu được bằng kính. Nước ta cũng có thể dùng những kính thiên văn có sẵn để tham gia vào mạng HOU.

Để phổ biến rộng rãi những hiểu biết về Vũ trụ, tôi đã viết một số sách để đọc, dễ hiểu và thích ứng với đối tượng trong nước. Tôi không trình bày những đề tài quá phức tạp, mà chính các nhà thiên văn chuyên ngành cũng chưa hiểu rõ và cũng không đề cập đến những vấn đề triết học quá cao siêu liên quan đến nguồn gốc của Vũ trụ. Những đề tài khoa học phức tạp đã được giải thích trong một cuốn sách giáo trình thiên văn song ngữ Việt-Anh, cấp đại học, xuất bản trong nước, mà tôi đã soạn cùng với một số nhà thiên văn trong nước và nước ngoài. Những vấn đề liên quan đến khí quyển, Trái đất và môi trường cũng đề cập trong những cuốn sách phổ biến nói trên, cùng những biện pháp cụ thể để bảo vệ hành tinh của chúng ta.

[21] Nguyen Quang Rieu, in "Astronomy for Developing Countries", Special Session of the XXIV General Assembly of the International Astronomical Union, Edited by Alan. H. Batten, 255 (2000).
Trả lời với trích dẫn