PDA

View Full Version : Tinh vân hành tinh NGC 6369


camphat
29-08-2012, 11:11 AM
Tinh vân hành tinh NGC 6369
http://imgsrc.hubblesite.org/hu/db/2002/25/images/a/formats/web_print.jpg

Ảnh kính thiên văn Hubble chụp tinh vân hành tinh NGC 6369 (tháng 2 năm 2002). Trên bầu trời, tinh vân này nằm trong chòm sao Ophiuchus, khoảng cách đến Trái Đất được ước lượng trong khoảng từ 2000 đến 5000 năm ánh sáng.

Khi một ngôi sao kích thước cỡ Mặt Trời phát triển đến giai đoạn cuối cuộc đời, phần lõi ngôi sao co lại trở thành một ngôi sao lùn trắng, phần vỏ ngôi sao khuếch tán ra ngoài vũ trụ tạo thành tinh vân. Trong các kính thiên văn quang học cổ, những tàn tích kiểu này có dạng một hình cầu giống như hành tinh nên các nhà thiên văn học gọi chúng là "tinh vân hành tinh" (planetary nebula).

Bức xạ tử ngoại từ ngôi sao lùn trắng đánh bật electron ra khỏi nguyên tử của các phân tử khí trong vành đai vật chất khuếch tán (hiện tượng ion hóa). Trong bức ảnh, vành đai màu lam và lục là những vùng vật chất gần lõi, chịu tia tử ngoại có cường độ cao và quá trình ion hóa xảy ra mạnh. Vành đai màu đỏ là những vật chất ở xa lõi ngôi sao hơn, quá trình ion hóa xảy ra yếu hơn. Xa hơn nữa, phía rìa tinh vân là những đám vật chất được khuếch tán ra vũ trụ trong giai đoạn đầu của quá trình lụi tàn của ngôi sao.

Màu sắc biểu diễn các vành đai vật chất đã được xử lý thông qua nhiều bộ lọc nhằm tách riêng kết quả quan sát đối với các nguyên tử khác nhau với mức độ ion hóa khác nhau: nguyên tử oxy bị mất hai electron tương ứng với màu lam, nguyên tử hidro bị mất một electron tương ứng với màu lục, nguyên tử nitơ mất 1 electron tương ứng với màu đỏ.

Các tinh vân hành tinh chính là hình ảnh Mặt Trời của chúng ta trong tương lai 5 tỷ năm nữa. Vành đai vật chất sẽ khuếch tán ra khỏi ngôi sao với vận tốc trung bình 15 dặm/1 giây. Quá trình khuếch tán diễn ra trong khoảng 10 nghìn năm. Ngôi sao lùn trắng ở trung tâm cũng nguội dần và sau một vài tỉ năm, ánh sáng của nó sẽ vĩnh viễn biến mất trong vũ trụ.


Perseus,
Box Thiên văn học, TTVNOL.

HAAC